Chúng ta thường biết đến Qualcomm là một hãng sản xuất chip di động - với các con chip Snapdragon xuất hiện trong rất nhiều smartphone chạy Android. Qualcomm cũng sản xuất cả modem LTE có trong smartphone ngày nay.
Tuy nhiên, hãng này còn kiếm được nhiều tiền từ một mảng kinh doanh khác. Một phần quan trọng trong doanh thu của hãng là từ các thoả thuận cấp bản quyền nhờ vào một chuỗi các bằng sáng chế liên quan tới các công nghệ không dây. Dù doanh thu từ bán chip tăng trưởng nhanh hơn so với việc bán bản quyền, nó vẫn chiếm 32,8% tổng doanh thu của Qualcomm, theo báo cáo kinh doanh mới nhất mà công ty công bố.
Tuy nhiên, một cuộc điều tra kéo dài 3 năm tại Hàn Quốc đã khiến Qualcomm phải chịu án phạt nói trên. Theo cơ quan chống độc quyền, Qualcomm đáng ra nên chia sẻ nhiều bằng sáng chế hơn với các nhà sản xuất chip khác, cho dù đó là với các đối thủ bao gồm Samsung, Intel, và MediaTek.
Thêm vào đó, hãng cũng bị tố đã ép buộc các nhà sản xuất điện thoại phải mua bản quyền của quá nhiều bằng sáng chế. Qualcomm là một nhà cung cấp quan trọng đối với nhiều hãng điện thoại, và lợi dụng vị thế đó, hãng đã yêu cầu nhà sản xuất mua hàng loạt bản quyền, ngay cả với các bản quyền không thực sự cần mua. Với các hãng điện thoại, họ sẽ rất khó để đưa ra các lắc đầu không đồng ý khi mà Qualcomm là nhà cung cấp "bộ não" cho thiết bị mà họ bán ra thị trường.
Với việc dính án phạt tại Hàn Quốc, Qualcomm nhiều nguy cơ cũng sẽ bị cơ quan quản lý ở các quốc gia khác xem xét lại cách thức cấp bản quyền của mình.
Phản ứng lại với án phạt, nhà sản xuất chip cho biết sẽ kháng cáo, tuy nhiên, nhiều khả năng hãng sẽ phải nộp phạt trước khi có bất kỳ thay đổi nào được cơ quan quản lý Hàn Quốc đưa ra. Nếu tiền phạt được huỷ hoặc giảm xuống, cơ quan chống độc quyền Hàn Quốc sẽ trả lại cho công ty, bởi vậy, án phạt này sẽ ảnh hưởng khá lớn tới doanh thu quý của Qualcomm khi hãng công bố kết quả kinh doanh trong thời gian tới.
Theo MT (Ictnews.vn)